Lịch sử hình thành và phát triển của Vovinam - Việt Võ Đạo
1.NHỮNG BƯỚC KHỞI ĐẦU (1938-1960)
Trưởng thành trong thảm cảnh mất nước, cố võ sư Nguyễn Lộc đã sáng tạo ra VVN trên cơ sở vật cổ truyền Việt Nam, nhằm mục đích giúp cho thanh niên Việt Nam có một phương pháp rèn luyện sức khỏe và tự vệ mang danh dân tộc, đồng thời nung đúc để cống hiến cho đất nước những người con yêu có đầy đủ năng lực cũng như ý chí tất thắng.Sau khi công trình nghiên cứu Vovinam hoàn thành vào năm 1938, ông huấn luyện thể cho một số thân hữu cùng lứa tuổi. Ngót một năm sau, ông đem lớp môn sinh đầu tiên ra mắt quần chúng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thu hút đông đảo người xem và thành công rực rỡ. Lớp võ công khai đầu tiên khai giảng vào mùa xuân năm 1940 tại Trường Sư phạm Hà Nội. Sau đó, nhiều lớp võ liên tục được mở ra ở nhiều nơi như: Trường Bưởi, Việt Nam học xá, sân Ấu trĩ viên, sân Quần Ngựa, bãi Septo, bãi Nhà đèn… và lan dần sang các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, v.v.
Theo Chưởng môn Lê Sáng, vào thời kỳ này, không mấy ai học quá 3 năm vì thời cuộc, vì nhu cầu ứng phó cấp thiết, vì đôi lúc thực dân Pháp cấm cản, trừ đội ngũ cốt cán tập luyện bí mật. Các lớp võ công khai thường chỉ kéo dài 3 tháng gồm: bài tập thể dục (10 động tác), luyện tấn, mép tay, bắp tay rắn chắc; bay người rạp xuống, trườn bằng khuỷu tay và đầu gối; các lối nhào lộn, tập té ngã; phản đòn cơ bản, khóa gỡ, các thế tự vệchống kiếm, gậy (côn), mã tấu. Các đòn chân không dạy riêng lẽ mà ghép trong các bài song luyện (4 bài). Khi luyện tập, biểu diễn, các môn sinh mặc quần đùi, mình trần.
Một số võ sư được Sáng tổ Nguyễn Lộc đào tạo trong thời kỳ này là Nguyễn Dần, Nguyễn Xuân Mỹ, Nguyễn Khải, Nguyễn Bích, Đỗ Đình Bách, Trịnh Cự Quý, Lê Sáng, Đặng Bỉnh, Đặng Bẩy, Lê Văn Tiên, Lê Tâm, Phan Dương Bình. v.v.
2.TẠM LẮNG (1960 -1963)
Vovinam xuất hiện tại miền Nam từ năm 1948. Năm 1954, võ sư Lê Văn Phúc đã dạy tại Đà Lạt, sau đó có thêm võ sư Trần Đức Hợp. Năm 1954, Sáng tổ Nguyễn Lộc và một số môn đệ (Lê Sáng, Bùi Thiện Nghĩa, Đàm Gia Tuấn, Nguyễn Văn Hách, v.v.) vào Sài Gòn. Sau khi ôn tập cho đội ngũ cốt cán tại một ngôi nhà trên đường Frère Louis (nay là Nguyễn Trãi, Q.1, TPHCM), Sáng tổ đã tổ chức cuộc biểu diễn VVN đầu tiên tại rạp Norodome (nay là Công ty xổ số kiến thiết, đường Lê Duẩn, TPHCM) vào năm 1955 rồi mở lớp võ trên đường Thủ Khoa Huân (Avigateur Garros). Rời Thủ Khoa Huân, ông mang lớp về tập tại nhà riêng trên đường Nguyễn Khắc Nhu, đồng thời cử môn đệ huấn luyện ở đường Lý Thái Tổ (Chợ Lớn), Thủ Đức (tỉnh Gia Định)...
Đầu năm 1958, lớp tập ở Nguyễn Khắc Nhu dời về đường Trần Khánh Dư (Tân Định), rồi Moulin Rouge (tên một vũ trường đã đóng cửa ở góc đường Trần Hưng Đạo và Huỳnh Mẫn Đạt) đồng thời Võ sư trưởng Lê Sáng mở thêm lớp ở đường Sư Vạn Hạnh (gần chùa Ấn Quang), v.v.
Trong lúc công việc giới thiệu VVN ở vùng đất mới bắt đầu, Sáng tổ lại sớm từ giã cõi đời vào ngày mồng bốn, tháng tư năm Canh Tý (29-4-1960). Từ cuối năm 1960, chế độ Sài Gòn đã hạn chế các võ phái hoạt động. Tuy nhiên, một số lớp VVN vẫn tập luyện tại các trường Hồ Vũ, Ánh Sáng, Saint Thomas, v.v. do võ sư Trần Huy Phong và vài võ sư khác hướng dẫn.Cuối năm 1963, các võ phái ở Sài Gòn được phép hoạt động trở lại, Võ sư trưởng Lê Sáng tập hợp một số võ sư cốt cán và thân hữu đề ra kế hoạch khôi phục và phát triển môn phái.
3.KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN (1964-1975)
Võ đường đầu tiên mở đầu thời kỳ khôi phục và phát triển đặt tại số 61 đường Vĩnh Viễn (quận 10, Saigon) với tên gọi Trung tâm huấn luyện Vovinam và khai giảng lớp đầu tiên vào ngày15-7-1964. Lúc đó, Võ sư trưởng Lê Sáng, võ sư Trần Huy Phong (1938 - 1997), võ sư Nguyễn Văn Thư (1937-2003), v.v. đã soạn thảo Quy lệ môn phái, vạch ra phương hướng phát triển môn phái. Chiếc áo thun và quần đùi được thay bằng bộ võ phục như ngày nay nhưng màu xanh da trời. Hệ thống đẳng cấp được phân ra: Tự vệ nhập môn (tập 3 tháng), Lam đai (6 tháng), Lam đai cao cấp (đai xanh 1 vạch vàng, 6 tháng), Hoàng đai, Hoàngđai I, II và III (1 năm/cấp), Chuẩn hồng đai, Hồng đai (chia 7 cấp, tập 2 năm/cấp) và Bạch đai. Khoảng sau Lễ Tưởng niệm Sáng tổ lần thứ 5 (4-1965), danh xưng Chưởng môn mới xuất hiện. Bằng hoạt động năng nổ, sáng tạo của Chưởng môn Lê Sáng và đội ngũ võ sư cốt cán, một số võ đường khác dần dần xuất hiện như võ đường Trần Hưng Đạo (1965).
Năm 1966, VVN được giao cho võ đường Hoa Lư và đưa vào dạy ngoại khóa tại 4 trường trung học công lập ở Saigon là Petrus-Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương mà công đầu là của võ sư Phùng Mạnh Chữ tự Mạnh Hoàng (1938 - 1967). Cũng từ năm này, danh xưng Vovinam bổ sung thành Vovinam-Việt Võ Đạo để thanh, thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ, phấn đấu rèn luyện bản thân cả 3 phương diện: Tâm, Trí, Thể. Sau 4 trường trung học nêu trên, VVN tiếp tục mở lớp ở các trường trung học Cao Thắng, Lê Văn Duyệt, Don Bosco, Phan Sào Nam, Hưng Đạo, v.v. tạo nên một phong trào rèn luyện sức khỏe sôi nổi và rộng lớn trong thanh thiếu niên.Lực lượng phụ tá trong thời kỳ 1964 là các võ sư Nguyễn Bột, HLV Nguyễn Văn Thái, Lê Công Danh, Trần Văn Bé, Nguyễn Văn Thông, Trần Văn Trung, v.v. Và từ năm 1966 có thêm Phạm Văn Sinh (Hoàng Minh Cường), Trần Vui (Trần Tấn Vũ), Ngô Kim Tuyền, Nguyễn Văn Vang, Lâm Ngọc Phú, Dương Viết Hùng, Nguyễn Hữu Tô Đồng, Vũ Bá Hiếu, Nguyễn Hồng Tâm, v.v. Năm 1968, sau thời gian công tác xa, võ sư Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ mới tham gia huấn luyện và hỗ trợ thông tin tuyên truyền.
Sau khi VVN được đưa vào dạy ở trường học (1966), Chưởng môn Lê Sáng và một vài võ sư cao cấp đã bổ sung, xác lập chương trình giảng huấn võ đạo, huấn luyện võ lực, và võ thuật phù hợp với 7 năm trung học: Tự vệ nhập môn (đai màu áo, 6 tháng): sơ đẳng (đai xanh đậm, 3 cấp, 6 tháng/ cấp), trung đẳng (đai vàng, 3 cấp, 6 tháng/cấp), chuẩn cao đẳng (đai đỏ viền vàng, 1 cấp, 6 tháng), cao đẳng (đai đỏ, 7 cấp, 1-2 năm/cấp) và thượng đẳng (đai trắng, dành riêng cho Võ sư chưởng môn). Trong khoảng thời gian 1964-1975, hệ thống kỹ thuật cũng được bổ sung thêm các đòn thế, bài bản trong chương trình huấn luyện như: 30 thế chiến lược, 28 thế vật căn bản và 3 bài Song đấu vật, Song luyện dao găm, Thập tự quyền, Long hổ quyền, Xà quyền, Lão mai, Ngọc trản, Hạc quyền, Việt võ đạo quyền, Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp, Tứ tượng côn pháp, Nhật nguyệt đại đao, Thái cực đơn đao, Bát quái song đao, Mộc bản pháp, Thương lê pháp, Song đấu búa rìu, Song đấu mã tấu. Nhiều đặc san của môn phái đã được xuất bản trong giai đoạn này như: Việt Võ Đạo nhập môn, Việt Võ Đạo cương yếu, Tinh hoa Việt Võ Đạo, v.v.
Năm 1968, võ đường 61 Vĩnh Viễn dời đến số 31 Trần Hoàng Quân (nay là 31 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM). Sau mấy năm vượt qua thử thách và đạt nhiều thành quả tốt đẹp, VVNđược một số ban ngành mời giảng dạy. Nhiều võ sư, HLV được đưa đi xây dựng phong trào ở các tỉnh miền Nam như: Trịnh Ngọc Minh (1939-1998; Nha Trang), Nguyễn Văn Thái (1944-1980, Cam Ranh ), Trần Tấn Vũ (Phú Yên, sau đó ra Bình Định rồi Huế), Ngô Kim Tuyền (Bình Dương), Nguyễn Văn Chiếu (Quy Nhơn), Nguyễn Văn Nhàn (Long Xuyên), Nguyễn Văn Sen (Cần Thơ), Trần Văn Mỹ (Hậu Nghĩa), Dương Minh Nhơn (Kiên Giang), Nguyễn Văn Vang (Vĩnh Long), Nguyễn Văn Ít (Mỹ Tho), Trịnh Thế Hùng (Vũng Tàu), Hoàng Minh Cường (Châu Đốc), v.v. Riêng võ sư Trần Đức Hợp (1931-2000) dạy tại Long Khánh từ năm 1968. Có thể nói, đây là giai đoạn môn phái trưởng thành về nhiều mặt.
4.HÀM DƯỠNG (1975-1990)
Khoảng gần một năm sau ngày thống nhất đất nước, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã tập hợp một số võ sư, HLV về quận 8, (TPHCM) ôn luyện. Sau đó, võ sư Trần Huy Phong cũng tham gia huấn luyện. Qua một thời gian tập luyện, đội đi biểu diễn tại một số tụ điểm văn hóa. Ngày 15/12/1978, lớp VVN chính thức khai giảng tại hồ bơi Hòa Bình (Q.8, TPHCM) do võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng dẫn, mở đầu quá trình khôi phục phong trào trong thành phố. Từ thời điểm này đến đầu thập niên 1980, các võ sư ở một số tỉnh, thành khác như: Nguyễn Hữu Hạnh (Cần Thơ), Nguyễn Bá Thuận (Nha Trang), Đinh Văn Hòa (Bình Định), Hà Tiến Độ (Đồng Nai)... cũng xin phép ngành TDTT địa phương mở lớp huấn luyện.
Trước sự hồi phục phong trào ở nhiều nơi, VVN được Tổng cục TDTT đua vào chương trình Hội diễn kỹ thuật khu vực 3 (1990). Tháng 9-1990, các võ sư Nguyễn Văn Chiếu, Nguyễn Anh Dũng, Lê Thanh Liêm, Tô Mạnh Hòa đã sang biểu diễn tại Belarus. Võ sư Nguyễn Anh Dũng (1953 - 2007) lưu lại huấn luyện trong 1 năm. Sau đó, võ sư Trương Quang An thay thế.
Về kỹ thuật, thực hiện nguyên tắc “một phát triển thành ba” - từ đòn căn bản (1) ghép lại thành bài đôn luyện (2) và bài song luyện (3) - nhằm giúp người tập dễ nhớ, dễ thuần thục nhờ thường xuyên ôn đi ôn lại, Chưởng môn Lê Sáng và một số võ sư đã bổ sung vào hệ thống kỹ thuật, chương trình huấn luyện một số bài quyền tay không và và binh khí như: Nhập môn quyền, Tứ trụ quyền, Ngũ môn quyền, Viên phương quyền, Thập thế bát thức quyền, 4 bài Nhu khí công quyền, 4 bài Liên hoàn đối luyện (dành cho người cao tuổi), Song đấu côn, Song dao pháp, Việt điểu kiếm pháp, Tiên long song gươm pháp, Mã tấu pháp, Âm dương hồ điệp phiến… Sự bổ sung này đã giúp cho hệ thống bài bản, kỹ thuật của môn phái đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng. Hệ thống đẳng cấp có thêm đai màu đen (sau Lam đai III cấp). Thời gian tập luyện bậc trung, cao đẳng kéo dài hơn trước. Năm 2012, môn phái quyết định bỏ đai đen và thay bằng đai vàng trơn (không vạch).
0 nhận xét